Nhảy đến nội dung
x
BLLD-2019

Nhiều điểm mới của Luật lao động sửa đổi năm 2019

Những điểm mới trong BLLĐ (sửa đổi) năm 2019 đã được 90,06% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành sáng 20/11 với nhiều nội dung liên quan mật thiết đến người lao động. Cụ thể:

Về thời giờ làm việc bình thường (Điều 105): vẫn giữ nguyên như cũ, nhưng Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn về thời gian làm việc có tính chất tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo các quy chuẩn kỹ thuật có liên quan.

Về làm thêm giờ (Điều 107): Thời gian làm thêm giờ phải được sự đồng ý của người lao động; Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, nghĩa là số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 40 giờ trong 1 tháng; Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 01 năm trong một số ngành, nghề như: dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, thủy sản;...

Về tuổi nghỉ hưu (Điều 169): Người lao động phải bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Về ngày nghỉ trong năm: Quốc hội cũng thống nhất chọn thêm ngày nghỉ trước hoặc sau ngày Quốc Khánh 02/9, nghĩa là ngày 01/9 hoặc 03/9 tuỳ Thủ tướng chọn lựa từng năm để quyết định.

Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này gồm 17 chương và 220 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.

Bài viết: Đinh Dương, Doanhnhanvaxahoi.com.